"Làng đại học" Thủ Đức được xem là nơi quen thuộc gắn liền với cuộc sống của nhiều sinh viên. Thực chất danh xưng này bắt nguồn từ việc địa điểm này quy tụ nhiều trường đại học với số lượng sinh viên lớn chiếm phần đông dân cư khu vực. Địa chỉ của "làng" thuộc thành phố Thủ Đức và một phần Thành phố Dĩ An (Bình Dương).
Ký túc xá hiện đại bậc nhất Đông Nam Á
Ký túc xá là một phần không thể thiếu của "làng đại học" với không gian rộng lớn và sức chứa lên đến hơn 50.000 sinh viên. Nằm gần các trường đại học với chi phí vô cùng "hạt dẻ" tùy thuộc theo hạng phòng khác nhau, nơi đây luôn trong tình trạng "cháy phòng" trong mỗi dịp đầu năm học.
Ký túc xá có quy mô rộng lớn với sức chứa hơn 50.000 sinh viên
Về cơ sở hạ tầng và cảnh quan, Ký túc xá khu A và khu B đều được bao phủ bởi cây xanh để tạo nên không gian thoát mát. Các phòng ở thường sẽ tập trung tối đa 6 - 8 sinh viên, giúp việc sinh hoạt và học tập được thuận tiện hơn. Bên trong Ký túc xá cũng được trang bị đầy đủ các tiện ích như: Cửa hàng tiện lợi, căn tin, tiệm photo, bưu điện...
Sinh viên cũng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa dưới sân, tạo môi trường giải trí và kết nối sau những giờ học căng thẳng. Ngoài ra, an ninh tại đây cũng được nhiều người tin tưởng khi có bảo vệ trực xuyên suốt và kiểm tra thẻ nên người ngoài tuyệt đối không thể vào được.
Nơi đây cũng sở hữu nhiều tiện ích để phục vụ cho quá trình sinh hoạt và học tập của sinh viên
Loạt trường "top đầu" quy tụ tại cùng một địa điểm
Trường Đại học Bách khoa TP.HCM là ngôi trường trọng điểm đi đầu trong chuyên ngành kỹ thuật lớn của Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng. Trường sở hữu hai cơ sở chính, trong đó một cơ sở nằm ở "làng đại học". Trong suốt nhiều năm qua, Bách Khoa là ngôi trường luôn nhận được sự tin tưởng bởi chất lượng đào tạo hàng đầu.
Trường Đại học Bách khoa TP.HCM sở hữu chất lượng giáo dục và giảng dạy hàng đầu
Trường Đại học Kinh tế - Luật sở hữu thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo kinh tế, luật và kinh doanh quản lý. Bên cạnh việc giảng dạy lý thuyết và thực hành, trường cũng thường xuyên có những buổi tập huấn, trao đổi, hợp tác quốc tế với các tổ chức lớn tại Mỹ, Đài Loan, Đức...
Trường Đại học Kinh tế - Luật có thế mạnh về kinh tế, luật và kinh doanh quản lý
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được xem như một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu Đông Nam Á về khoa học, công nghệ. Thời điểm hiện tại, trường đã có hơn 16 trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm thực hiện, triển khai nhiều dự án, cũng như cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có hai cơ sở chính phục vụ quá trình học tập của sinh viên
Trường Đại học Quốc tế cũng là ngôi trường thuộc khối Đại học Quốc gia TP.HCM với thế mạnh về kinh tế, quản lý, khoa học và kỹ thuật. Đây cũng là trường Đại học công lập đa ngành đầu tiên tại Việt Nam giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng Đại học Quốc tế đã gây ấn tượng bởi chương trình đào tạo chất lượng.
Đại học Quốc tế luôn nằm trong Top đầu trong việc giáo dục
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mang đến nền giáo dục đa dạng khi kết hợp giữa nhiều nền văn hóa khác nhau với lượt sinh viên quốc tế đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trường có thế mạnh lớn trong các lĩnh vực về ngôn ngữ, truyền thông, du lịch... đóng vai trò quan trọng cho nguồn lao động chất lượng của Việt Nam và thế giới.
Đây là ngôi trường với đa dạng các nên văn hóa, dân tộc khác nhau
Trường Đại học Công nghệ Thông tin là cơ sở giáo dục uy tín về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính. Trường luôn đi đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong suốt nhiều năm qua với chất lượng giáo dục vượt bậc và cơ sở vật chất hiện đại, đặc biệt sở hữu nhiều tiềm năng về cơ hội việc làm cho sinh viên.
Trường Công nghệ Thông tin cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này
Khoa Y - Đại học Quốc gia TP.HCM chuyên đào tạo ngành y và ngành dược theo mô hình Trường học - Bệnh viện, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trong thời gian tới, khoa Y sẽ tiến hành quy hoạch để trở thành một trường đại học top đầu Châu Á về đào tạo và nghiên cứu y khoa.
Địa điểm check-in "đi mãi không hết"
Nhà văn hóa sinh viên là biểu tượng mới mới của "làng đại học" với diện tích sàn rộng lớn. Công trình mang lối kiến trúc hiện đại, độc đáo, thân thiện với thiên nhiên và là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, học tập...
Vẻ đẹp hoành tráng của nhà văn hóa sinh viên
Hồ Đá cũng được nhiều sinh viên lựa chọn để đi check-in vào mỗi buổi chiều nhờ cảnh quan thoáng mát và yên tỉnh, đặc biệt là view chẳng khác gì Đà Lạt. Mỗi dịp cuối tuần, nhiều người dân và sinh viên lân cận cũng đến khu vực Hồ Đá để hóng mát và giải trí.
Hồ Đá được xem như biểu tượng nổi bật của "làng đại học"
Bên cạnh đó, "làng đại học" cũng sở hữu vô số những địa điểm giải trí và ăn uống khác với giá thành hợp lý, phù hợp với sinh viên. Dù không phải trung tâm thành phố nhưng "làng" vẫn luôn có đầy đủ các loại hình dịch vụ, cũng như giao thông thuận tiện đi đến nhiều nơi khác.
Chợ đêm nhộn nhịp từ chiều với nhiều tiện ích vui chơi, giải trí
Đồng có lau trở thành địa điểm "hot - hit" được nhiều người săn đón
Bài sharing của bạn Binh Duong Thai trong group Scholarship Hunters page mình. Các bạn có thông tin hoặc kinh nghiệm nào hãy thoải mái comment để mọi người cùng tìm hiểu nhé.
_________________________________
Xin chào các bạn, mình tên là Dương, hiện đang là sinh viên Y khoa kì thứ 10 của trường đại học Heidelberg ở Đức và tính tới hiện tại mình đã ở Đức được gần 6 năm. Mình trong group cũng đã lâu và mình thấy chủ đề học Y ở Đức vẫn chưa được thảo luận rộng rãi nên nhân dịp nghỉ lễ vài ngày rảnh rỗi mình sẽ viết một bài review về quá trình mình qua đức và học đại học ngành Y ở Đức như thế nào để các bạn đi sau có cái nhìn rõ hơn.
Năm xưa cấp 3 mình học trường Lê Hồng Phong ở thành phố Hồ Chí Minh và sau khi thi đại học thì mình vào học Y ở trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Sau khi học được 1 năm thì mình thấy chương trình học không còn phù hợp với mình lắm và cùng lúc này bạn gái của mình rủ mình cùng tìm hiểu về việc du học Đức nên đã khơi gợi lòng mong muốn đi Du học của mình (bạn gái mình hiện cũng đang học Y ở trường đại học Freiburg ở Đức). Từ thời điểm bắt đầu nhen nhóm ý tưởng tới lúc mình bước được bước chân đầu tiên sang đức là tròn 10 tháng. Trong 10 tháng này tụi mình đã tập trung cho việc chuẩn bị hồ sơ và học hoàn thành bằng tiếng Đức B2 của viện Goethe. Sau đó tụi mình qua Đức để học dự bị đại học cho khối ngành khoa học tự nhiên trước khi bước vào đại học. Toàn bộ chi tiết quá trình từ lúc có ý tưởng tới lúc được nhận giấy báo đậu vào học ở Đại học cách đây 5 năm mình đã viết 1 bài rất chi tiết.
Hiện nay việc xét điểm đã thay đổi chút ít nhưng nói chung thông tin trong bài viết năm xưa của mình vẫn đúng 90%.
Đại học Heidelberg là đại học lâu đời nhất ở Đức và có truyền thống Y khoa từ lâu nên nay mình sẽ review cho các bạn việc học Y ở đây.
Đại học Y ở Đức hiện đang được chia làm 2 hướng: hướng truyền thống (Regelstudiengang) và hướng đổi mới (Modellstudiengang). Đa phần các đại học ở Đức hiện này vẫn dạy theo hướng truyền thống và mình cũng đang học hướng này nên trong bài viết này mình sẽ review về hướng này cho các bạn. Bạn nào có hứng thú với hướng đổi mới có thể tìm hiểu thêm trên mạng.
Khi học Y ở Đức theo hướng truyền thống thì tổng thời gian các bạn có thể học ngắn nhất là 12 tới 13 kì tùy trường. Bằng tốt nghiệp không phải là bằng cử nhân (Bachelor) mà là bằng của Staatexamen. Trong đó quá trình học sẽ chia ra làm 3 giai đoạn:
2.1 Giai đoạn tiền lâm sàng (Vorklinik) kéo dài 4 kì bao gồm các môn học hóa học, vật lí, sinh học, giải phẫu (đại thể và vi thể), sinh lí, hóa sinh, tâm lí, di truyền học, thuật ngữ latin học, thực tập sơ bộ khám chữa bệnh và một môn tự chọn (Wahlfach). Ngoài ra vào các kì nghỉ mỗi sinh viên phải thực tập tổng cộng đủ 3 tháng các khóa điều dưỡng trong các bệnh viện (Krankenpflegepraktikum). Sau 4 kì mà không rớt môn và đã thực tập đủ tổng số thời gian các sinh viên sẽ được tham dự kì thi Staatexamen đầu tiên bao gồm phần thi trắc nghiệm và phần thi vấn đáp. Phần thi trắc nghiệm gồm 320 câu chia làm hai ngày mỗi ngày 160 câu, nội dung bao gồm tất cả các môn được học trong giai đoạn tiền lâm sàng. Phần thi vấn đáp kéo dài 4 tiếng với ba môn sinh lí, hóa sinh va giải phẫu đại thể và vi thể. Sau khi hoàn thành đợt thi này sinh viên sẽ chuyển qua học giai đoạn tiếp theo.
2.2 Giai đoạn lâm sàng (Klinik) kéo dài 6 kì bao gồm các môn học nội (và các ngành nhỏ của nó), ngoại (và các ngành nhỏ của nó), sản, nhi, thần kinh, tâm thần học, tai mũi họng, mắt, pháp y, y học cộng đồng và môi trường, y học gia đình, da liễu, gây mê và hồi sức cấp cứu, di truyền học 2, vi khuẩn và virut học, dược học, bệnh học và một môn tự chọn. Trong lúc học ở trên trường sẽ có những buổi thực tập tại giường bệnh hoặc trong phòng mổ với sự hướng dẫn của các bác sĩ trong nhóm nhỏ, thường là 3 tới 4 sinh viên 1 bác sĩ (Bedside Teaching). Vào các kì nghỉ lễ sinh viên phải thực tập đủ 4 tháng các khóa thực tập ở bệnh viện hoặc phòng khám trong chuyên ngành mà mình ưa thích (Famulatur). Nhìn chung cấu trúc học ở đại học sẽ bao gồm học lí thuyết trên giảng đường (Vorlesung), học thảo luận với giảng viên về các vấn đề chuyên sâu trong nhóm nhỏ (Seminar), học giả định các tình huống lâm sàng (POL – problem-oriented learning), thực hành trên mô hình thông minh (Skill Labs) và cuối cùng là giảng dạy bên giường bệnh (Bedside Teaching). Trong quá trình học và thực tập sinh viên sẽ có cơ hội rèn luyện các kĩ năng hỏi bệnh và thăm khám cơ bản cũng như các kĩ năng ngoại khoa đơn giản, từ đó khơi dậy niềm đam mê của mỗi bản thân. Sau 6 kì mà không rớt môn và đã thực tập đủ tổng số thời gian các sinh viên sẽ được tham dự kì thi Staatexamen thứ 2 với dạng trắc nghiệm 320 câu kéo dài trong 3 ngày với nội dung là toàn bộ các môn đã học trong giai đoạn lâm sàng. Sau khi hoàn thành đợt thi này các sinh viên sẽ chuyển sang giai đoạn cuối.
2.3 Giai đoạn thực tập toàn phần (Praktisches Jahr): trong giai đoạn này sinh viên sẽ không còn học lí thuyết trên trường nữa (lí thuyết đã được học hết) mà sẽ thực tập toàn thời gian ở bệnh viện trong vòng 1 năm. Trong 12 tháng đó sẽ có 4 tháng thực tập nội khoa, 4 tháng thực tập ngoại khoa và 4 tháng thực tập một môn tự chọn. Sau một năm này sẽ đến Staatexamen cuối cùng dưới dạng thi vấn đáp 4 môn là nội khoa, ngoại khoa, môn tự chọn và 1 môn bất kì được thông báo gần ngày thi. Sau khi hoàn thành tất cả các kì thi thì sinh viên Y sẽ được nhận Appropation, một dạng chức chỉ tốt nghiệp và trở thành bác sĩ, bước vào con đường học chuyên khoa tiếp theo.
Trong lúc học đại học nếu sinh viên có hứng thú có thể tham gia nghiên cứu khoa học song song với việc học trên trường và viết các bài báo khoa học. Quá trình này gọi là Promotion và sau khi viết Doktorarbeit được hội đồng thông qua thì sau khi tốt nghiệp sẽ có title Dr.med..
3.1 Ngôn ngữ: Việc học đại học Y ở Đức hiện nay đa phần đều bằng tiếng đức (theo mình biết các trường dạy Y bằng tiếng anh rất hiếm và học phí khá cao). Tiếng đức theo cá nhân mình thấy là một thứ tiếng khó, do không có cùng chung nguồn gốc với tiếng việt và thường cần sử dụng cơ miệng và lưỡi khá nhiều khi nói, còn tiếng việt đa phần sử dụng thanh âm nhiều hơn. Vì vậy thời gian đầu ở Đức mình khá trầy trật với việc giao tiếp. Thậm chí sau 6 năm ở Đức bây giờ nếu gặp bệnh nhân nói giọng vùng miền quá nặng mình vẫn phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Tuy nhiên nếu mỗi ngày đều cố gắng thêm một chút thì mình thấy lâu dần sẽ quen với việc giao tiếp. Quan trọng là sự tự tin và luyện tập đều đặn.
3.2 Tài chính: trung bình sinh hoạt mỗi tháng các bạn sẽ cần từ 500 tới 800 euro, tùy thuộc bạn ở thành phố nào. Hiện tại ngoài trừ bang Baden-Württermberg, cũng là bang mình đang ở, thì tất cả các bang còn lại đều miễn học phí cho sinh viên, mỗi kì các bạn chỉ phải đóng một khoản nhỏ về quản lí cho trường (Semesterbeitrag) tầm 200 tới 300 euro. Sau khi tốt nghiệp dự bị đại học mình nhận được giấy báo đậu của nhiều trường (có liệt kê trong link ở trên) nhưng cuối cùng mình chọn Heidelberg. Dù vậy khi nhập học trường đã có những học bổng nhỏ mỗi kì vừa đủ trả học phí (1500 euro mỗi kì) nên tính tới hiện tại mình chỉ phải trả học phí cho kì đầu tiên. Sinh viên được phép đi làm thêm trong giới hạn quy định và có thể kiếm được kha khá tiền mà vẫn học tốt trên trường nếu các bạn chịu khó. Mình vẫn đi làm thêm trên bệnh viện và các khoa giảng dạy trong lúc rảnh để vừa kiếm thêm thu nhập, vừa có thêm kinh nghiệm sau này. Ngoài ra còn có các học bổng của các đảng ở Đức cho sinh viên tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và có thành tích tốt trong trường cũng như có tư tưởng chính trị phù hợp với đảng. Phần hoạt động ngoại khóa không quan trọng lắm để được nhận vô học (điểm số quan trọng hơn) nhưng để nhận học bổng trong lúc học thì các hoạt động ngoại khóa này khá quan trọng. Mặt khác nếu các bạn hoàn toàn không có hỗ trợ tài chính từ phía Việt Nam thì còn một cách đó là các bệnh viện ngoại vi luôn có các học bổng cho sinh viên học tốt, đủ để chi trả sinh hoạt phí hằng tháng của bạn, với điều kiện các bạn sau khi tốt nghiệp phải về học chuyên ngành ở bệnh viện đó hoặc làm cho bệnh viện 2 tới 4 năm (vẫn trả lương như bình thường nhé). Chính sách này được làm ra để kêu gọi thêm bác sĩ về làm ở các bệnh viện ở ngoại ô và mình đã từng thực tập ở các bệnh viện này rồi, vẫn là các trung tâm đa ngành rất lớn nhé các bạn. Nói chung là luôn có giải pháp ở chỗ này, nước Đức cũng hỗ trợ các sinh viên thật sự muốn nhận được giáo dục mà có khó khăn về tài chính.
3.3 Độ khó của học Y ở Đức: ngày xưa trước khi vô trường Y mình nghĩ học đại học Y ở đây khó lắm các bạn à. Sau khi học được 5 năm thì mình thấy quả là nó khó thật. Cứ mỗi lần vượt qua được 1 trở ngại là một trở ngại khác lớn hơn, khó hơn lại đến. Học Y ở Đức bằng tiếng Đức, giao tiếp với bệnh nhân và bác sĩ cũng bằng tiếng Đức. Tuy nhiên quá trình học đa phần các thuật ngữ đều là tiếng La Tinh nên cứ như đang học song song 2 thứ tiếng vậy. Một lưu ý nữa là mỗi môn học cũng như các Staatexamen chỉ được thi chính thức 3 lần (vẫn có những khoa châm chước cho bạn thi thêm). Nếu rớt hết 3 lần thì bạn sẽ không được thi lại môn này trên toàn nước Đức nữa, cũng đồng nghĩa với việc không được phép tiếp tục học Y ở bất kì đâu. Mình từng hỏi sở ngoại kiều nơi mình đang sống thì được biết sinh viên nước ngoài ngoài EU đang học Y ở đức nếu không có lí do chính đáng chỉ được phép học lố 2 kì so với thời gian quy định. Nhưng cuộc đời vốn luôn khó, chính việc đương đầu với thử thách mới sẽ làm bản thân ngày càng tốt hơn. Nên nếu các bạn không sợ khó và thích tự vẽ nên con đường của bạn thì không vấn đề gì là không thể giải quyết.
3.4 Các ích lợi khi học đại học Y ở Đức: Ích lợi đầu tiên mà các bạn có sẽ là cơ sở hạ tầng trong giáo dục rất tốt. Hệ thống thư viện hiện đại với nhiều đầu sách giấy và ebook đa dạng mà sinh viên luôn có thể mượn trong thời gian dài do luôn có đủ nguồn cung. Việc học tiền lâm sàng và lâm sàng luôn được hỗ trợ bởi các máy móc hiện đại và thực tập thường được chia thành nhóm nhỏ 3 tới 4 sinh viên với 1 giảng viên, bảo đảm sự truyền đạt kiến thức tốt nhất. Trong môi trường đại học bạn luôn được khuyến khích đặt câu hỏi và phản biện với giảng viên, nếu có gì không hài lòng có thể gửi giấy đánh giá (cuối mỗi môn học đều có phiếu đánh giá ẩn danh) về cho bộ môn để sửa đổi. Nói chung mọi thứ đều được sắp xếp để hỗ trợ việc học cho bạn.
3.5 Con người và đất nước Đức: mình thấy đa phần người Đức khi tiếp xúc lần đầu đều khá khô khan và khép kín (có thể do văn hóa khác nhau). Tuy nhiên khi bạn tìm ra những người bạn hợp ý thì các bạn sẽ thấy rất đáng tin cậy. Về phần bệnh nhân: nước Đức là một đất nước đang già đi nên hơn một nửa số bệnh nhân là các người già, những con người đa phần đều đề phòng với cái mới và lạ. Thế nên không hiếm khi các bệnh nhân sẽ e dè bạn vì giọng nói và ngoại hình không phải gốc bản địa của bạn. Tuy nhiên khi bạn thể hiện ra bạn muốn giúp đỡ các bệnh nhân thì đa phần ai cũng sẽ trở nên niềm nở với sinh viên. Đôi khi các bạn nước ngoài nói chậm rãi và đủ lớn còn được các bệnh nhân ưu ái hơn sinh viên Đức do các bạn này nói quá nhanh làm các bác già không theo kịp. Về phần phong cảnh nước Đức thì mình thấy thiên nhiên ở đây còn được lưu giữ rất tốt và cảnh đẹp cũng như Châu Âu cổ kính ở khắp mọi nơi, quan trọng bạn còn thời gian để đi thăm thú hay không thôi.
Tóm tắt: Học Y ở Đức quả thực khó, nhưng không phải là không thể. Cá nhân mình cũng có biết một vài bạn sinh viên đã học và hoàn thành quá trình học ở đây. Lời khuyên của mình cho các bạn còn học cấp 3 là hãy chuẩn bị sớm tư tưởng cũng như ngôn ngữ cho việc Du học, nếu như các bạn có dự định học Y ở Đức. Mình bây giờ luôn muốn biết vậy năm xưa mình biết tới du học Đức sớm hơn để có sự chuẩn bị tốt hơn. Bài dài mình hi vọng bạn nào có hứng thú sẽ đọc hết. Nếu sau đó có thắc mắc gì chưa được giải đáp trong bài viết trên hãy bình luận bên dưới mình sẽ trả lời trong giới hạn có thể. Mọi thông tin trong bài viết đều là kinh nghiệm cũng như thông tin mình tự tìm ra trên mạng, mình không chịu trách nhiệm pháp lí nếu có sai sót.